Tiền trình Lục Lệnh Huyên

Sử cũ không nhắc đến xuất thân và nguyên quán của Lệnh Huyên, tương truyền bà là cháu gái của quý tộc thời Bắc Ngụy tên Lục Duệ (陆睿), nhưng không khảo được. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến đồng thuận, Lục Lệnh Huyên là hậu duệ của cao môn đại tộc người Tiên Ti gọi là [Bộ Lục Cô thị; 步六孤氏], sau mới giản xưng [Lục thị] như người Hán.

Từ sớm, Lục Lệnh Huyên có chồng là Lạc Siêu, vốn là một hàng tướng của Tây Ngụy. Về sau Lạc Siêu bị giết vì tội mưu phản, khiến Lục Lệnh Huyên cùng con trai là Đề Bà chịu đày vào Dịch đình làm nô tỳ[lower-alpha 1][1] [2]. Thế tử của Trường Quảng vương Cao TrạmCao Vĩ còn ẵm ngửa, được giao cho Lệnh Huyên chăm sóc; mọi người gọi bà là [Can a nãi; 乾阿你], tức là nhũ mẫu, người đời Bắc Tề thông xưng hô là [Tỷ tỷ; 姊姊]. Từ đó Lục Lệnh Huyên có căn cơ trong triều đình Bắc Tề, không chỉ vậy mà Lệnh Huyên còn được mẹ của Cao Vĩ là Vương phi Hồ thị gần gũi yêu mến[1] [2].

Khi Trường Quảng vương Cao Trạm tức Hoàng đế vị, là Bắc Tề Vũ Thành Đế, Cao Vĩ được lập làm Hoàng thái tử, Lục Lệnh Huyên thoáng chốc trở thành nhũ mẫu của Thái tử, địa vị tôn quý. Lục Lệnh Huyên từ ấy dần biểu lộ tính gian xảo, nhiều cơ trí và giỏi biện bác, lắm lối siểm nịnh, ở trong hoàng cung một mình làm oai làm phúc, do đó được Vũ Thành Đế cùng Hồ hoàng hậu tín nhiệm, còn được phong tước ngoại mệnh phụ là Quận quân. Từ thời Hán Vũ Đế phong bà ngoại Tạng Nhi làm Bình Nguyên quận quân, các triều đại chỉ phong chính thê của quan viên Tứ phẩm trở lên làm Quận quân. Lục Lệnh Huyên vốn là nô tỳ, lại có thể được ân sủng mà thăng lên tước vị này, chứng tỏ sự tín nhiệm của Đế-Hậu khi ấy dành cho bà[3]. Lệnh Huyên nắm quyền trong nội cung, nên bọn sủng thần Hòa Sĩ Khai, Cao A Na Quăng đều nhận bà làm mẹ nuôi[1][2].

Năm Hà Thanh thứ 4 (565), Vũ Thành đế truyền ngôi cho Cao Vĩ, tự xưng làm Thái thượng hoàng, Cao Vĩ khi ấy 6 tuổi lên ngôi, tức là Bắc Tề Hậu Chủ. Cải nguyên Thiên Thống. Quận quân Lục Lệnh Huyên tiến dẫn Lạc Đề Bà vào hầu Hoàng đế; nhờ vậy Hậu Chủ và Đề Bà trở nên rất thân thiết[1] [2].